Sáng 4/4/2024, tại đơn vị đăng cai là trường THCS Cầu Giấy, Sở GDĐT thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo “Công tác triển khai đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng các cấp THCS và THPT”. Hội thảo nhằm báo cáo, tổng kết, rút kinh nghiệm về 6 năm thực hiện đề án thí điểm song bằng ở các khối trường THCS và THPT.
Hội thảo vinh dự được tiếp đón NGƯT – TS Nguyễn Hữu Độ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; đ/c Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên thường trực, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa – Xã hội HĐND Thành phố; ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó GĐ Sở GD&ĐT, bà Trần Lưu Hoa – phó GĐ Sở GD&ĐT, ông Phạm Quốc Toản – Phó GĐ Sở GD&ĐT.
Về dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, đại diện Ban giám hiệu 7 trường THCS và THPT triển khai thí điểm Chương trình đào tạo song bằng cùng các đối tác nước ngoài và đại diện các nhà giáo tham gia giảng dạy hệ Song bằng, đại diện các bậc phụ huynh, các em học sinh của các nhà trường tham gia chương trình Song bằng.
Hội thảo ngày 4.4.2024 về Công tác triển khai đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng các cấp THCS và THPT
Vinh dự nhận nhiệm vụ từ Sở GD&ĐT, dưới sự chỉ đạo của BGH, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và đón tiếp đại biểu, tổ chức hội thảo của trường THCS Cầu Giấy đã diễn ra chu đáo, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu để hội thảo diễn ra thuận lợi, thành công.
Mở đầu chương trình, nhằm tạo bầu không khí sôi nổi cho hội thảo và thể hiện sắc màu song bằng Cầu Giấy, ban nhạc của lớp 9SB2 cùng các thầy cô Cầu Giấy đã đem đến hội thảo những tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Tiết mục văn nghệ do các em học sinh song bằng 9SB2 trường THCS Cầu Giấy biểu diễn
Hội thảo đã lắng nghe báo cáo của ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng GDTrH, sở GD&ĐT về 6 năm thực hiện dự án thí điểm chương trình đào tạo song bằng. Báo cáo đã tóm tắt quá trình triển khai đề án thí điểm, những căn cứ pháp lý và kết quả thực hiện. Dù trong quá trình triển khai dự án có một số khó khăn song nhìn chung, Đề án đã đạt được mục tiêu đề ra. Đề án đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, góp phần định hướng cho việc triển khai chương trình quốc tế, chương trình giáo dục nâng cao ở các trường công lập trên địa bàn thành phố. Đề án đã góp phần hình thành được những chuẩn mực giá trị, thúc đẩy mô hình giáo dục quốc tế phát triển theo đúng định hướng của Bộ GD&ĐT và thành phố Hà Nội. Đề án cũng đã giúp đội ngũ giáo viên là người Việt nam tại các nhà trường được trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tiên tiến theo chuẩn quốc tế.
Ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng GDTrH, sở GD&ĐT báo cáo về 6 năm thực hiện dự án thí điểm chương trình đào tạo song bằng.
Hội thảo đã cùng thảo luận về những hiệu quả và hạn chế trong hành trình 6 năm thực hiện đề án. NGƯT Lê Kim Anh – hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy trình bày tham luận mở đầu phần thảo luận. Theo nhà giáo Lê Kim Anh, trường THCS Cầu Giấy là một trong bảy trường tiên phong thực hiện chương trình đề án thí điểm. Với chương trình tiên tiến, nhiều ưu điểm, mức thu học phí thấp, chương trình giáo dục hiện đại, đáp ứng nguyện vọng của PHHS, ngay từ khi thực hiện đề án, trường THCS Cầu Giấy đã nhận được sự hưởng ứng của PHHS. Sáu năm là bao nỗ lực của thầy và trò, của những thử thách và đột phá, những phương pháp giáo dục mới mẻ, hiện đại đã được nhà trường liên tục đổi mới, nỗ lực đưa đến cho học sinh, bao khó khăn trở ngại diễn ra trong 6 năm đã thử thách lòng kiên trì và sự quyết tâm của thầy và trò: chương trình song song hai hệ tạo không ít áp lực, dịch bệnh Covid gây không ít trở ngại trong việc học tập, đánh giá….Tuy nhiên, khắc phục khó khăn, vượt qua bằng quyết tâm và sự sáng tạo, sau 6 năm khối song bằng đã tỏa sáng, khẳng định là một phần đáng tự hào của trường THCS Cầu Giấy. Với những nỗ lực và thành tựu đã gặt hái, tháng 3/2021 trường THCS Cầu Giấy đã được công nhận là thành viên Cambridge, trở thành đối tác chính thức của CIE, có tài khoản truy cập hệ thống kiểm tra đánh giá chính thống của CIE. NGƯT Lê Kim Anh cho biết học sinh khối song bằng của trường THCS Cầu Giấy đã tạo nên một sắc màu riêng với tri thức, sự năng động sáng tạo, vừa mang sự cẩn trọng, chiều sâu tư duy, tinh thần kỷ luật của người phương Đông, vừa mang tinh thần phóng khoáng, cởi mở, nhanh nhạy khi được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của phương Tây, các bạn học sinh song bằng đã khẳng định mình trên mọi phương diện, từ kết quả học tập đến các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi trong nước và quốc tế.
NGƯT Lê Kim Anh – Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy trình bày tham luận tại hội thảo.
Hội thảo cũng đã lắng nghe các tham luận của nhà giáo Trần Thùy Dương – hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam; tham luận của ông Đặng Phương Đông, phó TGĐ tập đoàn Atlantic; tham luận của thầy Christopher Leo Scoggins giảng viên trường Đại học Anh Quốc – Việt Nam; tham luận của cô Lưu Tú Oanh – Tổ trưởng môn tiếng Anh trường THCS Trưng Vương; tham luận của thầy Trương Thanh Tú, giáo viên môn Hóa học trường THPT Chu Văn An. Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời chỉ rõ những giải pháp khắc phục, các nhà quản lý, giáo viên cũng đề xuất chương trình đào tạo, hỗ trợ giáo viên, học sinh để đề án diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bà Trần Thùy Dương – Hiệu trưởng trường THCS -THPT Hà Nội – Amsterdam trình bày tham luận.
Tham luận của các đối tác nước ngoài
Các thầy cô giáo tham gia giảng dạy hệ Song bằng trình bày tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, em Lê Quỳnh Chi, học sinh lớp 9C2 trường THCS Ngô Sĩ Liên đã đại diện cho các em học sinh trong đề án thí điểm chương trình song bằng nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình khi được tham gia đề án. Với các em, đề án đã mang đến sự thay đổi trong tư duy, khiến các em thêm năng động hơn, sáng tạo hơn, khả năng hội nhập và thích nghi tốt hơn, các em cũng có nhiều hơn những cơ hội để tiệm cận những chương trình , cơ hội quốc tế hấp dẫn. Chị Đinh Thị Ngọc Lan, phụ huynh có con theo học hệ song bằng tại Trường THCS Trưng Vương xúc động bày tỏ: Chương trình giúp các con nâng cấp bản thân không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng; tính ưu việt của chương trình thể hiện ở đội ngũ thầy cô luôn hết lòng vì học sinh, hệ thống phương pháp dạy học tích cực cùng môi trường học và giáo trình hiện đại
Em Lê Quỳnh Chi, học sinh lớp 9C2 trường THCS Ngô Sĩ Liên đã đại diện cho các em học sinh trong đề án thí điểm chương trình song bằng phát biểu
Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các đồng chí lãnh đạo bộ GDĐT, ý kiến phát biểu của T.S Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Các đồng chí lãnh đạo đã đánh giá cao những nỗ lực của các nhà trường, các thầy cô và các em trong quá trình thực hiện đề án và gửi gắm niềm tin về kết quả tốt đẹp mà đề án sẽ mang lại cho giáo dục Thủ đô.
T.S Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu, khẳng định tính khả thi của Đề án thí điểm
Đồng chí Trần Thế Cương nhấn mạnh: Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị, để có thể tiếp tục triển khai Đề án ở giai đoạn tiếp theo, căn cứ vào kết luận của Bộ GD&ĐT, UBND TP, các nhà trường cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng Đề án cho giai đoạn mới, khi đã có đầy đủ hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, các trường tích cực nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt, phấn đấu có một đội ngũ giáo viên quốc tế ổn định về số lượng, bảo đảm về chất lượng; tăng cường vai trò quản trị của nhà trường; phát huy vai trò của mô hình giáo dục mới trong hội nhập quốc tế; kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội và cá nhân đầu tư cho sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng nhu cầu dạy học theo chuẩn Cambridge.
Nhất trí với quan điểm của Sở Giáo dục và đào tạo, đồng chí Nguyễn Hữu Độ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo:“Kết quả của chương trình tại các nhà trường đã chứng minh sự đúng đắn của một quyết định. Việc tổ chức lớp học theo chương trình song bằng mang lại quyền lợi cho học sinh; giúp học sinh và giáo viên được du học tại chỗ… Đây là căn cứ để đề xuất tiếp tục triển khai đào tạo chương trình trong thời gian tới…”
NGƯT – TS Nguyễn Hữu Độ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khẳng định tính ưu việt của Đề án thí điểm chương trình Song bằng.
Hội thảo đã khép lại lúc 11h cùng ngày. Thông qua Hội thảo, trường THCS Cầu Giấy đã có thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm và động lực để tiếp tục thực hiện, phát triển đề án thí điểm Song bằng trong thời gian tới.